Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

MUỘN MÀNG


Muộn Màng
Truyện ngắn của Tô Vũ
* * * * *
Le coeur a ses raisons que la raison ne connait point.
                                                                          Pascal
Hôm cuối thu vừa qua, trời đã trở lạnh, nhất là những ngày đầu mùa càng cảm thấy lạnh hơn. Tôi có việc phải sang Genève. Đã hơn một năm tôi không trở lại thành phố này vì không có việc gì, nhưng thành phố này đối với tôi không xa lạ vì trước tôi vẫn qua lại luôn. Tới Genève vào khoảng bẩy giờ tối. Từ ga Cornavin, tôi thả bộ dọc đường Mont Blanc xuống Quai Guisan thuê phòng ở khách sạn Hôtel de la Paix, nhìn ra hồ. Trời đã tối lắm. Hai bên đường Mont Blanc các cửa hàng rực rỡ ánh đèn bầy bán đồ Nô-en.
Khoảng tám giờ tối, tôi rời khách sạn để đi ăn cơm. Tôi đi qua cây cầu nhỏ bắc qua sông Rhône cho bộ hành, băng qua cái đảo nhỏ, chỗ có tượng của Jean Jacques Rousseau và cũng là chỗ có những con thiên nga vẫn thường bơi lội. Những ngày hè, mỗi lần tới thành phố này tôi hay đến chỗ cầu này, đứng tựa lan can ngắm cảnh hồ và thẩy thức ăn xuống cho thiên nga ăn. Những lần như vậy tôi hay đùa gọi "Viens, ma beauté !" (Lại đây, người đẹp !) và trong số những con thiên nga có một con nhỏ hơn những con khác, thường hay lại gần  nhặt những mẩu bánh mà tôi vứt xuống, và nhiều lần tôi có cảm tưởng như mắt thiên nga nhìn tôi cảm ơn. Dần dần tôi đã phân biệt được giữa bầy thiên nga cô bạn nhỏ của tôi. Mỗi buổi sáng tôi tới cầu là đã thấy cô bạn nhỏ bơi quanh quẩn ở dưới như chờ đợi tôi vậy, và khi thấy tôi đến cô bạn vỗ cánh như vui mừng chào đón. 


Gió thổi nhè nhẹ, mặt hồ gợn sóng lăn tăn. Ánh đèn nê-ông xanh đỏ vàng phản chiếu trên mặt nước hoà hợp thành những màu "pastel" dịu đẹp. Tượng Jean Jacques Rousseau ngồi trầm tư suy nghĩ trên bục cao có ánh đèn "spot" rọi sáng, trong cảnh tĩnh mịch của buổi tối cuối thu, xa những huyên náo của thành phố, làm cảnh tượng như mơ hồ huyền ảo. Một cơn gió mạnh thoảng qua làm tôi rùng mình, kéo cao cổ áo măng-tô, thọc tay vào túi lấy bao thuốc, ngừng chân lại để đốt thuốc. Tôi loay hoay quay người  để chắn gió và vừa lúc lửa bật lên thì có một bóng người bận áo măng-tô trắng đi qua sát gần tôi. Tôi đang chú ý đốt thuốc nên không nhìn rõ chỉ lờ mờ biết rằng đó là một phụ nữ. Hút một hơi thuốc dài cho ấm, tôi quay người lại tiếp tục qua cầu, giật mình thấy bóngngười mặc áo trắng đứng cách tôi khoảng ba, bốn thước, đang chăm chú nhìn tôi. Nhờ ánh sáng đèn chiếu tượng J.J. Rousseau tôi nhận ra đó là một phụ nữ á-đông, y phục tây phương, vớ ni-lông, giày cao gót, bận một cái măng-tô trắng. Nàng khoảng 38, 39 tuổi, khá cao lớn, khuôn mặt trẻ đẹp, tôi chưa hề gặp bao giờ. Tôi tiến bước đi thì một giọng nói dịu dàng hỏi tôi :
- Xin lỗi ông, ông có phải là ông Vũ không ? một giọng nói Nam pha Bắc, không hoàn toàn Nam hẳn. 
Tôi sửng sốt, lặng im nhìn thiếu phụ, nghĩ ngợi trong giây lát cố tìm tòi trong ký ức, nhưng đành chịu vì không thể nào nhớ đã gặp bà ta ở đâu và trong trường hợp nào. Cuối cùng đành phải trả lời :
- Dạ thưa phải, đúng tôi tên là Vũ. Xin lỗi bà cho biết quý danh.
Thiếu phụ lộ vẻ vui mừng, tiến về phía tôi vừa nói vừa giơ tay ra cho tôi bắt :
- Ồ, may quá, tôi không nhận lầm. Ông không nhớ ra tôi sao ?
Nàng đi tới gần, tới gần. Mùi nước hoa đắt tiền thoang thoảng, ngây ngất. Môi nàng chúm chím nở một nụ cười, mắt nàng long lanh, cả thân hình nàng toả ra một sức hút kỳ diệu.
Bàn tay nàng thon, dài  mà chắc, tôi cầm gọn trong tay, lắc nhẹ một hai lần, và nhận thấy cách bắt tay của nàng nồng nhiệt, không hững hờ nhạt nhẽo. Hơi ấm trong tay nàng truyền sang tay tôi, tôi rời bàn tay nàng một cách luyến tiếc.
- Để tôi giúp ông nhớ lại, nàng nói. Mới  mùa hè năm ngoái, chúng mình gặp nhau luôn, ông đã quên rồi sao ?
Tượng Jean Jacques Rousseau - Genève

Đúng rồi, tháng bảy năm ngoái tôi sang Genève nghỉ hè một tháng. Có một người bạn Thụy Sĩ đi hè ở Hy Lạp cho tôi mượn cái appartement ở cạnh hồ, gần khu Liên Hiệp Quốc. Sáng nào tôi cũng đi bộ bên bờ hồ, ngắm trời đất phong cảnh, mang theo một túi bích-quy cho đàn thiên nga ăn. Nhưng nói rằng tôi thường gặp bà ta thì quả là tôi không nhớ, nhất định bà ta nhầm. Trí óc tôi vẫn còn minh mẫn, sáng suốt, đâu có thể quên được chóng như vậy. Chắc chắn bà ta nhầm. Nhất là ở Genève, ở Lausanne và Zurich tôi chỉ quen có vài người Việt, tôi nhầm lẫn sao được. Hay là gặp ở mấy tiệm ăn, mấy buổi tiếp tân người ngoại quốc mời ?
- Hân hạnh được gặp bà nhưng thành thực xin cáo lỗi, tôi không nhớ đã gặp bà ở đâu và trong trường hợp nào. Xin bà cho biết quý danh may ra có thể giúp tôi nhớ lại được.
- Tôi là Nga, mademoiselle Nga, ça vous rappelle quelque chose ? Nàng vừa pha tiếng Việt lẫn tiếng Pháp và giọng Pháp của nàng cũng ngọt ngào như giọng Việt.
- Xin lỗi cô từ nãy đến giờ tôi cứ gọi là bà. Cô cho tôi vài phút để tôi thử đoán xem.
Ký ức của tôi tìm tòi. Nga thì có mấy cô tôi biết cùng trạc tuổi cô này. Tôi nghĩ đến Nga học trường thuốc và hành nghề y sĩ ở một nhà thương ở Sàigòn. Chà ! mới mười mấy năm trời không gặp mà không nhận ra được. Tôi reo lên :
- Vân Nga, bác sĩ, phải không ? Nàng mỉm cười lắc đầu.
Tôi lại nhớ đến Tuyết Nga em của một người bạn tôi, nhưng tôi gạt ra ngay vì Tuyết Nga nhỏ người hơn, xấu hơn, không được xinh đẹp như cô này.
Điếu thuốc lá tôi hút đã cháy hết, tôi đưa bao thuốc mời nàng nhưng nàng từ chối, tôi loay hoay châm điếu khác. Cơn gió lùa vào cổ làm tôi rùng mình, từ nãy đến giờ mải nói chuyện quên cả lạnh. Tôi hút  hơi thuốc dài và tên Nga khác bật lên trong óc tôi, Thanh Nga, đúng rồi, Thanh Nga học sciences éco. ở Genève trước mà từ lâu tôi không gặp.
Tôi rụt rè đưa tên "Thanh Nga". Nàng lắc đầu bật cười thành tiếng. Tiếng cười thật dễ dãi, hồn nhiên, làm tôi cũng vui lây. 
Sương đã bắt đầu xuống nhiều. Nhìn xa xa những đèn nê-ông quảng cáo đã không còn thấy tỏ nữa. Hơi lạnh đã thấm nhập vào trong người. Tôi muốn tìm nơi ấm áp ngồi và uống chút rượu cho nóng người. Tôi nói :
- Thôi, xin cô hãy để cho tôi nghĩ thêm một chút nữa. Bây giờ chúng ta cùng đi sang bên kia cầu và nếu tối nay cô không bị bận gì, tôi mời cô ăn cơm cùng tôi để chúng ta nói chuyện thêm.
Không e dè, không từ chối lấy lệ, tự nhiên như những đàn bà tây phương, nàng vui vẻ gật đầu và nói :
- Cảm ơn ông. Tôi cũng cảm thấy đói và lạnh rồi. Chúng ta đi đi.
Hai chúng tôi sánh vai rảo bước. Tôi vừa đi vừa suy nghĩ, tìm tòi tên Nga trong trí óc, vừa ngạc nhiên vừa thích thú đến cuộc gặp gỡ lạ lùng này. Có một cái gì hồn nhiên, thành thực, cao thượng, kỳ diệu thoát ra ở mặt nàng, nhưng cũng có một cái gì bí ẩn mà tôi ráng phải tìm hiểu. Thoáng trong óc tôi chuyện Bích Câu Kỳ Ngộ làm tôi rùng mình nổi da gà. Có thể thế được không, cuối thế kỷ 20 này, giữa một thành phố văn minh đông đảo ?  Bích Câu Kỳ Ngộ, Giáng Kiều và Tú Uyên, cuộc gặp gỡ lạ lùng trên ngòi Bích Câu ! Hai câu thơ mở đầu câu chuyện trở lại trong óc tôi :
" Thành Tây có cảnh Bích Câu,
Cỏ hoa góp lại một màu xanh xanh."
Tôi vội vàng xua đuổi ý nghĩ vẩn vơ và vô lý đó trong óc.
Nhịp chân của nàng nhanh nhẹn lẹ bước như lối đi của các đàn bà tây phương, không chậm chạp,  khoan thai, ngắn bước như phần đông các đàn bà Á đông. Nàng có vẻ khoẻ mạnh, sức lực sung mãn, tràn ngập nhựa sống.
Qua cầu, tới Place Molard, có mấy tiệm ăn mà mỗi lần sang Genève tôi thường đến ăn. Chúng tôi chọn một tiệm ăn Ấn Độ. Tiệm này nhỏ, nhưng thức ăn ngon, tiếp đãi lịch sự, chuyên nấu những món ăn miền nam xứ Ấn Độ hợp với khẩu vị người Việt  hơn là những món ăn Ấn Độ miền Bắc. Chủ nhân vẫn còn nhớ tôi, vui mừng chào hỏi khi chúng tôi bước vào tiệm. 
Vào căn phòng ấm áp, tôi thấy dễ chịu hẳn. Chúng tôi chọn một cái bàn ở góc phòng gần chauffage. Nàng cởi cái áo măng-tô màu trắng làm bằng da hải cẩu sơ sinh (bébé phoque) lông trắng, ngắn và mịn, loại thật đắt tiền. Trong, nàng mặc một cái pull dài tay, cổ tròn, màu bleu nuit, jupe màu đen, đi vớ nylon kiểu mới có thêu hoa dọc từ dưới cổ chân lên trên và đôi giày da đen cao gót. Người nàng thật cân đối, khoẻ mạnh của những người năng vận động, tập thể thao và ăn uống điều độ. Nàng để cái sắc nhỏ da đen láng trên bàn và ngồi xuống đối diện với tôi. Cũng may hôm đó tôi ăn mặc đứng đắn, ca vát, sơ mi trắng sạch, chứ không ăn mặc bê bối cẩu thả như những kỳ nghỉ hè, nên tôi cũng không ngượng ngùng về y phục của mình.
Người hầu bàn mang cuốn thực đơn lại. Trước khi chọn món ăn, tôi gọi một ly rượu khai vị cho tôi và cho nàng, sự thực cũng không cần khai vị vì cũng đã đói rồi mà để uống cho ấm người. Tôi kêu một ly Ricard vì sống ở Pháp lâu tôi vẫn quen uống thứ rượu khai vị này, còn nàng thì gọi một Martini rouge.
Bây giờ ngồi đối diện với nàng trong căn phòng ấm áp, sáng sủa, tôi có thì giờ nhận xét kỹ và nàng cũng không e dè nhìn thẳng vào mặt tôi như để ngắm nghía tôi vậy. Đúng như lời ước đoán hồi nãy, nàng khoảng 38, 39 tuổi, mặt tròn cân đối, phảng phất có nét âu tây. Mớ tóc đen cắt ngắn đủ che hai tai và gáy làm lộ hai má đầy đặn, miệng tươi, hai mắt thông minh hiền hậu, dịu dàng như cười. Nàng không có cái đẹp sắc sảo mê hồn khuynh nước khuynh thành, nhưng cái đẹp của nàng là cái đẹp tự nhiên, không son phấn, cân đối, duyên dáng và đầy thiện cảm. Sau một vài phút yên lặng, nàng cất tiếng vui vẻ như đùa cợt hỏi :
- Thế bây giờ ông Vũ đã nhận được ra tôi chưa ? 
Tôi lặng nghĩ, Vân Nga thì không phải rồi, Tuyết Nga không phải, Thanh Nga cũng không phải, tôi cũng chẳng còn nhớ ra Nga nào nữa, thôi thì cứ nói đại đi :
- Hằng Nga phải không ?
Nàng cười ròn rã :
- Hằng Nga trên cung trăng ấy à ? Không phải nữa rồi ông ơi. Thôi để tôi nói cho ông biết, tôi là Bạch Nga đây.



Bạch Nga ? Bạch Nga ? Le cygne blanc ! The white swan ! Tôi liên tưởng đến những con thiên nga ở hồ và truyện Bích Câu Kỳ Ngộ lại bật trở lại trong đầu óc tôi, nhưng tôi xua đuổi ngay những ý nghĩ " liêu trai " đó, thời buổi này làm gì có thể xảy ra những chuyện đó. Từ nãy đến giờ mình chỉ nghĩ đến những tên mà Nga nghĩa là đẹp chứ không nghĩ đến Nga là thiên nga, bạch nga. Nhưng tại sao nàng bảo là gặp mình nhiều lần ? ở đâu ? mình đâu có quen biết cô ta ?
Và như đọc được ý nghĩ của tôi, nàng nói tiếp :
- Mùa hè năm ngoái, mỗi khi ông ra hồ cho thiên nga ăn là tôi ở trong số những người có mặt ở đó, ông không biết đấy thôi chứ tôi thì để ý chăm chú đến ông nhiều lắm. Tôi còn thấy những người quen ông gọi tên ông nên tôi mới biết. Hè năm nay tôi chờ đợi ông hoài không thấy ông tới làm tôi thất vọng quá. Hơn một năm trời ! dài bằng cả một thế kỷ !  Nàng nói như trách móc, như thất vọng. Hôm nay trời xui khiến cho gặp ông, tôi không để bỏ lỡ dịp.Tôi bỗng thấy tim đập mạnh, mặt bừng bừng. Được người đẹp chú ý đến mình từ lâu mà không biết, một cảm giác sung sướng kỳ diệu dâng lên trong lòng tôi, tôi cố gắng bình tĩnh để khỏi la lên nỗi mừng.
- A thì ra thế. Cô đã làm tôi nghi ngờ mình bị bệnh mất trí, nhưng bây giờ thì tôi hiểu rõ rồi.  Xin mời cô nâng ly chúng ta uống mừng cuộc gặp gỡ bất ngờ và lý thú này.
Nàng nâng ly lên và chúc :
- A notre merveilleuse rencontre !
Sau khi hội ý chọn xong những món ăn, người hầu bàn hỏi chúng tôi uống rượu gì. Tôi hỏi nàng :
- Cô uống được "vin" chứ ?
Nàng gật đầu nói :
- Dạ được, xin tùy ông chọn.
Tôi nói với người hầu bàn : 
"Cho tôi chai Saint Emilion 81",  thứ rượu mà tôi vẫn ưa dùng.
Nàng tỳ hai khuỷu tay lên bàn, đầu ngã về phía trước, mặt sát gần tôi hơn, rồi nhìn tôi trìu mến và dịu dàng nói :
- Trông ông không thay đổi gì khác năm ngoái, có phần khoẻ mạnh và trẻ hơn. Ông sang đây nghỉ "vacances d'hiver" hả ?
Tôi chẳng biết đáp lại lời khen thế nào vì có biết năm ngoái nàng như thế nào đâu mà so sánh khoẻ yếu, trẻ già, xấu đẹp, hơn kém, tôi nhìn vào mắt nàng, lúng túng, ngập ngừng trả lời :
- Cảm ơn cô. Tôi sang Genève họp hai ngày rồi tối ngày mốt tôi lại trở về Pháp.
- Úy ! Gì mà gấp vậy ? Sao ông không ở thêm vài ngày nữa ?
- Dạ, không được, vì có hẹn đã dự trước. Thật là rất tiếc. Có lẽ Pâques hay hè tới tôi lại sang. Cô ở Genève hay ở đâu ?
- Dạ em, à tôi ở Genève. Tôi ở trong ban vũ cổ điển The Swan Ballet của thành phố từ dăm năm nay. Em là première ballerine (đệ nhất vũ nữ).
- Hân hạnh quá !
Thực sự thì tôi chưa đi xem vũ cổ điển bao giờ. Thỉnh thoảng trong télé chiếu một chương trình các ban vũ nổi tiếng thế giới, chỉ biết đại khái là môn vũ cổ điển diễn tả không lời theo điệu nhạc, một truyện gì bằng các chuyển động của thân thể và tác động của tay chân thôi, còn thế nào là hay hay dở thì không biết. Nhưng được làm vũ nữ hay vũ nam một ban vũ cổ điển nổi tiếng, lại là đệ nhất vũ nữ phải là một người có tài và là một vinh dự lớn. Chắc ban vũ của thành phố Genève cũng phải là có tầm vóc  quốc tế, mà ở trong ban đó từ nhiều năm nay thì phải là một tay cừ khôi có hạng. 
Người hầu bàn đã mang món "samoussa" ra, và khui chai rượu, rót một chút vào ly của tôi để tôi nếm thử. Tôi gật đầu tán thưởng, anh ta rót rượu vào ly của Bạch Nga và ly của tôi. Tôi nâng ly mời nàng , hai người cụng ly và cùng nói :
"A notre merveilleuse rencontre !" Nàng ăn một miếng samoussa rồi uống một hớp rượu khen ngon. Tôi ăn xong, nhắp rượu ngồi ngắm nàng. Nàng ăn uống khoan thai, lịch sự, như thật tình thưởng thức của những kẻ biết hưởng sống, nét mặt hân hoan như những kẻ yêu đời và đôi mắt long lanh tình tứ bộc lộ sự hớn hở như đôi mắt của một người gặp lại người tình xa cách nhau bao năm mới lại thấy.
Ngắm nhìn một người biểu lộ sự sung sướng mà người đó lại là một người đẹp  ngồi đối diện với mình là một giây phút thích thú vô tả và vô giá đối với tôi. Trong sự sống hàng ngày, tôi vẫn vui lây khi bắt gặp một nụ cười hồn nhiên, một tiếng cười ròn rã, một  nét vui trong khoé mắt của những người gặp ở ngoài đường, ở trên métro, trên xe buýt mà tôi không bao giờ quen biết. Huống chi lại ngay trước mặt mình, một hiện thân của sự sung sướng mãn nguyện, thì sao không khỏi không vui lây. Lòng tôi rộn lên một niềm hân hoan, lâng lâng sung sướng thích thú. 
Món ăn thứ nhất đã qua, rồi món ăn thứ hai  được bưng tới. Nàng đã cạn ly rượu, tôi rót thêm. Mặt nàng đã ửng hồng và nàng nói :
- Ông Vũ ở Paris hả ?
- Dạ phải.
- Paris đẹp hơn Genève nhiều lắm phải không ông ? Tôi mơ được sống ở Paris nhưng không thể nào bỏ Genève đi được.
- Không, tôi thấy Genève cũng đẹp lắm chứ, nhất là với cảnh hồ Léman này thì Paris bì sao được. Cô sang đây lâu chưa ?
- Dạ cũng lâu rồi. Mới đầu em ở bên Đức, rồi sang Anh, bây giờ thì ở Thụy Sĩ.
- Cô ở với gia đình ở đây ?
- Vâng. Em có một đứa con gái nhỏ lên năm tuổi. Nó sống với em còn ba nó không còn ở với em. Chúng em gặp nhau được một thời gian ngắn thì phải xa lìa. Em buồn nản quá, sống cô đơn mấy năm nay, em cần một tình yêu, một người mà em yêu để chung sống mà khó quá. Đời sống thấy trống trải quá ! "Un seul être vous manque et tout est dépeuplé"   anh còn nhớ câu thơ đó của Lamartine không ?
Tôi để ý đến cách thay đổi xưng hô của nàng và tôi nói:
- Dạ, nhớ lắm. Nhưng chắc cô khó tính chứ tôi nghĩ một người như cô thiếu gì người cầu cạnh để cô lựa chọn.
Tạm dịch : "Chỉ nhớ một người mà thế giới vắng tanh!"
- Anh nói đúng nhưng không phải như vậy. Em nghĩ tình yêu không phải là kết quả của một sự so sánh, một sự lựa chọn giữa hơn kém, giàu nghèo, xấu đẹp, già trẻ mà tình yêu là một chữ YÊU viết hoa, không tà tâm, không pha trộn và cũng không thể giải thích được. Nếu yêu một người vì trẻ, đẹp, giỏi, giàu sang, bằng cấp cao thì là yêu cái trẻ, cái đẹp, cái giỏi, cái giàu sang, bằng cấp cao chứ đâu có phải là yêu người đó. Anh có đọc cuốn An Excess of Love của Cathy Cash Spellman viết không ? Nhân vật Constance FitzGibbon, con gái một nhà quyền quý cao sang, giàu có, trẻ đẹp, sống trong lâu đài, kẻ hầu người hạ, mà yêu Tierney O'Connor, một anh thuyền chài sống trong mái lều nhỏ hẹp nghèo nàn. Thế mà thành một mối tình thánh thiện, cao cả, bất diệt, của hai nhân vật siêu đẳng.
- Tôi có đọc cuốn truyện đó. Tôi nghĩ đó chỉ có ở trong tiểu thuyết do trí tưởng tượng của nhà văn thôi, chứ trong đời làm gì có sự như thế.
- Có chứ anh. Tại anh không nhìn kỹ chung quanh anh đấy thôi. Yêu là yêu, không có thời gian, không có không gian, không có so sánh, không có lựa chọn, chấm hết !
Nàng nói xong, hai mắt long lanh tình tứ, nhìn thẳng vào mắt tôi như dò xét phản ứng, chờ đợi một câu trả lời.
Lòng tôi tràn ngập sung sướng, chuyện không ngờ đã xảy đến cho tôi, một chuyện mà chẳng bao giờ tôi nghĩ đến vì đã từ lâu tôi không còn chờ đợi một tình yêu. Con tim tôi đã lâu rồi không còn hồi hộp trước một sắc đẹp quyến rũ, trí óc tôi đã lâu rồi không nghĩ tới những chuyện tình tứ, miệng tôi đã lâu rồi không nói tới lời nói yêu đương, tôi đã dành nhiều thì giờ dùng ngòi bút để phụng sự một lý tưởng nên không nghĩ tới đời sống tình cảm riêng tư. Những tình cảm của con tim bộc phát bừa bãi, không suy xét, nhất thời lúc trẻ không còn nữa mà nhường chỗ cho lý trí, cho suy luận. 
Tôi hiểu những lời nàng nói lắm, nhưng tôi đã như một con sư tử già ngồi yên ở vị trí của mình, biết mình, biết người và biết thân phận mình, không còn xông xáo như những con dê non buồn sừng.
Tôi rót rượu uống và châm điếu thuốc lá hút, trầm ngâm nghĩ ngợi trong chốc lát. Nàng nhìn tôi chờ đợi.
Tôì phải lấy hết bình tĩnh và can đảm nhìn vào mắt nàng chậm giải trả lời :
- Tôi mến phục Bạch Nga và quan niệm rộng rãi về tình yêu của Bạch Nga. Thật là một quan niệm lý tưởng. Nếu tôi còn trẻ thì chắc chắn tôi phải đáp ứng để xứng đáng với cảm tình của Bạch Nga vì không còn hạnh phúc nào hơn. Nhưng tôi nghĩ tình yêu chênh lệch sẽ sớm mang lại nhiều thất vọng lắm.
Tôi e ngại lời nói của tôi quá ác  nhưng cũng hy vọng nàng sẽ cho tôi là một người thành thực, thẳng thắn, mà không bất mãn.
Nàng thay đổi sắc mặt, đang tươi tỉnh trở nên buồn rầu ủ dột. Tôi nhìn nàng hối hận. Nàng buồn bã nói :
- Anh đã nghĩ kỹ chưa ? Em không hề đặt vấn đề chênh lệch giữa anh và em. Em đã nói hết quan niệm của em rồi mà anh không hiểu sao ? Hơn một năm trời chờ đợi !
May mắn được gặp anh để nghe anh trả lời một chữ "KHÔNG" với một lý do mà em không đòi hỏi. Anh vô tình quá ! Anh ác quá !
Hai dòng nước mắt tuôn rơi từ đôi mắt đẹp của nàng, đôi mắt mà vừa lúc trước như tươi cười, như đón chờ hạnh phúc. Nàng yên lặng không nói năng gì trong mấy phút để nguyên cho nước mắt chảy.
Tôi cũng ngồi lặng yên bất động, hối hận, nhưng cũng quyết không thay đổi lòng mình và một nỗi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn tôi.


Đột nhiên nàng lấy khăn lau khô nước mắt và với một giọng cố làm cho bình tĩnh, nàng nói :
- Thôi khuya rồi, chúng ta về đi anh.
Tôi muốn uống một ly rượu mạnh để cho dịu cơn buồn, tôi mời nàng uống digestif. Nàng kêu một ly Marie Brizard, còn tôi thì gọi một ly Cointreau. Chúng tôi yên lặng nhìn nhau buồn bã.
Tôi trả tiền nhà hàng, rồi cùng nhau qua cầu cũ trở về phía Mont  Blanc. Nàng đi cạnh tôi không nói gì, trầm ngâm suy nghĩ. Tôi hối hận đã làm nàng buồn rầu chỉ vì câu trả lời thẳng thắn thành thực  của mình, nhưng biết làm sao được, thà thành thực còn hơn giả dối mà tôi không bao giờ giả dối trong chuyện tâm tình. Bạn tôi vẫn thường gọi tôi là "quân tử Tàu", tôi không trách họ vì tôi nghĩ như thế vẫn là hơn.
Sương mù đã xuống dày đặc. Cách nhau mấy thước không nhìn rõ. Trời càng lạnh thêm. Đêm đã khuya, khoảng 11 giờ, trên cây cầu vắng người thỉnh thoảng mới có một cặp đi qua lại. Tới trước tượng J.J. Rousseau, nàng dừng chân lại nói :
- Anh ở khách sạn La Paix chỗ kia phải không. Anh qua cầu độ vài chục thước là tới ngay. Em từ biệt anh ở đây, anh về trước đi, em đứng lại mấy phút ngắm hồ một chút rồi em sẽ về sau.
- Nhà cô có ở gần đây không ?
- Gần lắm, anh khỏi lo cho em.
- Tối mai lại gặp cô đi ăn cơm đuợc không ?
- Được anh ạ. Em chờ anh ở đây khoảng 8 giờ tối.
- Cô không giận tôi chứ ?
- Không anh à. Anh muốn như vậy thì em phải chịu, làm sao em thay đổi lòng anh được. Thôi anh về nghỉ đi. 
Chúng tôi từ biệt nhau. Thoáng một giây đồng hồ, tôi thấy mắt nàng nhìn vào môi tôi say đắm, có lẽ nàng muốn chúng tôi hôn môi nhau từ biệt, nhưng tôi đã hôn hai bên má nàng như một người bạn mà không hôn môi như một người tình. Nàng lộ vẻ thất vọng.
Tôi thẳng bước về phòng ngủ Hôtel de la Paix ở cách đấy vài chục thước.
Tôi trằn trọc suy nghĩ về những việc xảy ra trong buổi tối và cũng có giây phút  hối tiếc tự trách mình quá cứng rắn, không biết đáp ứng một mối tình chân thật của một người đẹp đã yêu mình, nhưng một  lát sau lại thấy sự hữu lý trong việc từ chối của mình. Rồi tôi chìm vào giấc ngủ mộng mị.
Cả ngày hôm sau bận việc họp hành, mãi đến 7 giờ mới xong. Tôi tới thẳng nơi hẹn, đến nơi 7 giờ rưỡi, tôi chờ đến 8 giờ rưỡi, 9 giờ mà không thấy Bạch Nga lại. Tôi buồn rầu suy nghĩ chắc nàng  không tha thứ, chắc nàng giận tôi lắm nên không đến nơi hẹn, hay là phút chót nàng bận việc, hay là nàng bị tai nạn. Bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu mà không giải đáp được.
Sương mù đã bắt đầu toả xuống. Trời hôm nay lạnh hơn hôm qua. Tôi liên miên hút thuốc hết điếu này đến điếu khác, hối tiếc những lời nói thiếu suy nghĩ chín chắn, ác độc của mình tối hôm qua. Đáng lẽ phải lựa lời giải thích dần dần để nàng hiểu, khốn thay con người bộc trực của tôi là thế, trong quá khứ tôi đã làm mất lòng nhiều người chỉ vì cái bản tính đó không thay đổi được.
Nhìn đồng hồ tay đã chỉ hơn 10 giờ, tôi vẫn còn nóng lòng quanh quẩn nơi tượng J.J. Rousseau chờ đợi hy vọng nàng đến. Tôi đã đứng ở đó gần ba tiếng đồng hồ, người tôi bắt đầu lạnh run. Tôi cảm thấy đói, dùng dằng muốn bỏ đi về phía tiệm ăn để uống một ly rượu cho ấm lòng mà chân không nỡ rời. Hai ba lần đã bước đi, hai ba lần quay trở lại. "Chờ đợi đến bao giờ ? tôi tự hỏi, và sao còn chờ đợi vô vọng làm gì ?"
Miên man suy tưởng, nhớ lại những cảm giác sung sướng tuyệt vời trong buổi gặp nàng tối hôm qua, tim tôi lại hồi hộp, nỗi hân hoan tràn ngập tâm hồn tôi, nhưng cũng không làm át nỗi lo lắng, nỗi thất vọng hiện tại mà tôi cảm thấy từ lúc chờ đợi nàng đến giờ. Tôi chợt nghĩ đến câu văn mà Gordon Glasco viết trong cuốn tiểu thuyết Days of Eternity  : " L'amour est un sentiment d'absence, de manque " (yêu là nhớ nhung, là thiếu thốn khi xa cách), tôi bỗng nhận ra rằng tôi đã yêu nàng, tôi đã yêu nàng tha thiết trong con tim tôi, nhưng mà lý trí của tôi đã đưa ra những lý luận thực tế để gạt bỏ tình yêu đó. Cho đến giờ phút xa cách vô vọng này mới hiểu được lòng mình thì đã quá muộn. Tôi oán hận tôi, tôi tự ghét tôi, tôi muốn gào la gọi tên nàng để nàng đến với tôi, để tôi thành khẩn ngỏ lời xin lỗi.
Tôi đứng tựa lan can nhìn ra hồ gọi thầm: "Bạch Nga! Bạch Nga ! Anh xin lỗi em !" Tôi bỗng giật mình. Trên mặt hồ, cách tôi khoảng mấy chục thước, một bóng trắng hiện lên, rõ ràng là Bạch Nga. Lẩn trong đám sương mù, nàng như ẩn như hiện, như trêu như ghẹo, như ma như quái. Tôi mơ rồi ! Lòng thương cảm quá độ, nỗi đau đớn hối hận quá mạnh đã làm cho óc tưởng tượng của tôi tạo nên hình bóng một người mà tôi đang khẩn mong chờ đợi chăng ?  Có thật thế không ? Nhưng không, nàng lại gần, lại gần, như nhẹ nhàng đi trên mặt nước. Tôi đã thấy tỏ mặt nàng. Vẫn cái áo măng-tô trắng, vẫn khuôn mặt xinh đẹp hôm qua, nhưng hôm nay âu sầu buồn bã. Nàng giơ tay vẫy từ biệt tôi và nói "Vĩnh biệt !"
Tôi như điên như cuồng, tôi gọi "Bạch Nga ! Bạch Nga!" và không còn sợ nguy hiểm, tôi  ngả mình ra ngoài lan can để với tay nàng, nhưng xa quá không với tới.
Một cơn gió lạnh thổi mạnh, đẩy đám sương mù trước mặt tôi làm quang đãng khúc hồ dưới chân cầu. Bóng nàng Bạch Nga tan mất. Tôi nhìn xuống hồ thấy cô bạn thiên nga nhỏ bé của tôi lặng lẽ bơi nhanh về phía giữa hồ xa xa...
Tôi đứng lặng yên cả mấy giờ đồng hồ, óc tựa như chết, tim tựa như vỡ tan, rồi tôi lang thang trong thành phố tìm quán rượu ngồi uống. Tôi cũng chẳng còn biết là tôi đã về tới khách sạn lúc mấy giờ. 
Hôm sau tôi hỏi anh bồi phòng khách sạn về ban vũ The Swan Ballet và Bạch Nga, anh cười, kéo tôi ra cửa sổ chỉ vào đám thiên nga đang bơi lội ở dưới hồ và nói :" Kia kìa, đoàn vũ The Swan Ballet của Genève. Dân Genève vẫn đùa gọi đàn thiên nga của họ là thế ! " 
Tôi kể lại câu chuyện trên đây cho ông bạn của tôi, thi sĩ Huế Thi, ông có cảm  đề một bài  thơ tặng tôi, xin  ghi lại sau đây :  
"Thương nhớ từ đây bao thiết tha
Người đi sầu muộn dưới sương ngà
Người đi đôi mắt buồn ai oán
Ai biết ai buồn ai xót xa".

Tô Vũ 

******************************************************
Ý kiến bạn đọc
1) Cảm tưởng của Th. Lan, Paris,
sau khi đọc truyện Muộn Màng
*****
Anh Tô Vũ ơi !
J’ai trouvé le poème de Félix Arvers traduit en vietnamien par Khái Hưng :
 Lòng ta chôn một mối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thu
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay
C’est vrai que c’est blue....
Mais dis-moi, anh Tô Vũ, pourquoi un roman si lyrique ?
La jeune femme rencontrée au bord du lac Léman dans Muộn Màng aurait -t-elle laissé ses empreintes dans ton coeur, le parfum secret de son amour que tu arroses avec des larmes de regret ?
Enfin...
Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc
Có một lấn đớn đau, mới hiểu được tình yêu...
A bientôt anh
TL
***********************************************************
2) Cảm tưởng của thi sĩ David Lý Lãng Nhân
sau khi đọc truyện Muộn Màng
* * * * *
Kính Anh Tô Vũ
Cảm ơn anh đã cho đọc bài Muộn Màng. Tôi đọc suốt hai lần, cảm thấy rất hay, khiến tôi bàng hoàng ngớ ngẩn tự hỏi mình trong trường hợp như tác giả thì đã xử trí như cách thế nào.
Cách phối trí hành động trong truyện đã xảy ra ban đầu thong thả nhẹ nhàng  rồi dồn dập để nổ bung như trái mìn nổ chậm, làm người đọc bị choáng váng và nghẹt thở.
Unity in time and space  được áp dụng khéo léo tài tình. Mở đầu ở bờ hồ Thiên Nga và kết thúc cũng tại hồ với Bạch Nga lồng trong một cơn mộng nửa hư nửa thực.
Bối cảnh được tường trình mô tả  trong chi tiết rất tỉ mỉ  từ nét mặt người đẹp, tầm vóc, tướng đi, cho đến thức ăn rượu nhắm, làm cho người đọc hình dung được hai nhân vật chính đang sống và thở trước mặt mình.
Lời phân tích nội tâm của tác giả cũng chia sẻ niềm yêu thương khắc khoải, khổ đau, hối tiếc, dằn vặt rất chân thành, trung thực dễ làm người đọc thương cảm bùi ngùi.
Tính chất lãng mạc trữ tình của câu chuyện đã làm say mê người đọc, háo hức muốn biết kết cuộc  như thế nào để rồi cùng ngậm ngùi se sắt với người trong cuộc và chấp nhận câu ‘ Tình chỉ đẹp khi còn dang dở ’
Ta chỉ biết thời gian hay không gian trong cuộc tình, thường không quan trọng bằng Cường Độ Mãnh Liệt (intensity) của mối tình.
Tôi nhớ đến câu thơ Đường : ‘Nhất phiến Băng tâm tại ngọc hồ’.
để ám chỉ khi  : ‘Người thương tôi đã đi rồi, hồn tôi băng giá như hồ mùa Đông’.
Xin có lời khen tặng nồng nhiệt anh Tô Vũ về một tác phẩm xuất sắc và một cái truyện ngắn có mang màu sắc hiện đại của Việt Kiều Hải Ngoại.
Thành kính
David Ly Lãng Nhân
 Alabama, USA
*****************************************************
3) Thơ cảm tác của thi sĩ Hồ Trọng Khôi
sau khi đọc truyện Muộn Màng
Thương kính tặng bạn Tô Vũ

***

Nhớ nhung đếm bước canh tàn
Sương bay ta ngỡ áo nàng hôm xưa.

Đêm nay tám hướng nhạt nhoà sương,
Hình bóng yêu kiều bỗng vấn vương.
Hồ biếc chập chờn xao xuyến sóng,
Hay sóng lòng ta dậy nhớ thương.

Tái tê, đau buốt tận tâm linh,
Đêm trắng cô đơn, lạnh riêng mình.
Hỡi gió sương khuya, xin dừng cánh,
Xin giữ cho ta một bóng hình.

Bạch Nga mộng ảo lẫn Thiên Nga,
Mái tóc, làn hương quyện da ngà.
Ai xui hạnh ngộ trong ngang trái,
Mà để cho Người phải xót xa

Tình riêng Người gửi sóng hồ xanh,
Thương nhớ, chao ôi, nét khuynh thành
Lãng đãng hình ai trên triền sóng,
Xiêm áo hôm nào, giọng yến oanh.

Ta biết Người đau mối hận trường,
Ngàn năm dáng liễu vẫn tơ vương.
Đường đời hai ngả, đành chia biệt,
Phảng phất còn đây mảnh dư hương !

Ta thấu tình Người giữa phân ly,
Tà dương hiu hắt nhớ hoa quỳ.
Hỡi ơi, duyên số, cơ tiền định,
Tơ lòng dứt đoạn não cầm thi.

Ta xót tình Người luống dở dang
" Gặp gỡ" than ôi, buổi "Muộn Màng".
Bích Câu đành lỡ duyên Kỳ Ngộ
Đã trễ chuyến đò, khách sang ngang !

Ta viết dâng Người một trang thơ,
Vũ trụ đêm nay lạnh sương mờ.
Giai nhân hình bóng tan mây khói.
Người ơi, cõi thực đã thành mơ !

Hồ Trọng Khôi
*****************************************************
HẾT - Tô Vũ Paris 01-08-12